Huyền thoại marketing thế giới Philip Kotler nói về
marketing
(tại Tp HCM ngày 16-17/8/2007)
Huyền thoại
marketing thế giới, ông Philip Kotler, cha
đẻ
marketing hiện đại đã đến Tp HCM ngày 16/8/2007 để chuẩn bị cho
buổi hội thảo quốc tế “Marketing Mới cho Thời Đại Mới” (New
Marketing for the New Age) vào ngày hôm sau.
Trả lời phỏng vấn
độc quyền của ông với báo “Thanh Niên” tại Tp HCM ngày 16/8/2007,
ông nói “…Việt
Nam các bạn là một chiếc máy bay lấy đà từ tốn và cất cánh. Tôi thấy các bạn
đã cất cánh, và tôi còn sẽ thấy các bạn lên cao hơn nữa, chắc chắn
là vậy!”.
Dưới đây là trích phát biểu của ông về marketing tại hội thảo (xin
cảm ơn ông Vũ Tiến Phúc về bản dịch).
Tôi đã có 38 năm
gắn bó với ngành tiếp thị mà vẫn tiếp tục bị nó quyến rũ. Khi
chúng ta nghĩ rằng, rốt cuộc chúng ta hiểu được tiếp thị, thì nó
lại bắt đầu một điệu nhảy mới và chúng ta lại phải cố hết sức để
nhảy theo nó.
Hơn nữa, tiếp thị
đòi hỏi phải có cách nhìn rộng hơn, không chỉ coi nhiệm vụ duy
nhất của tiếp thị là làm sao tăng cầu đối với sản phẩm hay dịch vụ
mà thôi. Nếu giả sử nhu cầu hiện thời đối với một sản phẩm nào đó
là quá lớn thì sao? Chẳng lẽ nhà tiếp thị không được nâng giá, cắt
giảm quảng cáo và chi phí khuyến mại, hay áp dụng các biện pháp
khác để làm cho cầu phù hợp hơn với cung? Các biện pháp này được
gọi bằng cái tên phản tiếp thị (de-marketing), một khái niệm được
áp dụng trong nhiều tình huống. Nếu đã có nhóm người cải cách muốn
xoá bỏ nhu cầu đối với những sản phẩm được coi là có hại cho sức
khoẻ hay không an toàn, chẳng hạn các độc dược, thuốc lá, thức ăn
có nhiều chất béo, súng đạn, và các sản phẩm đáng nghi vấn khác
thì sao? Nhiệm vụ của tiếp thị trong trường hợp này được gọi là
phi khuyến mại (un-selling). Những nhiệm vụ khác của tiếp thị bao
gồm nỗ lực nhằm làm thay đổi hình ảnh bất lợi của sản phẩm và cố
gắng làm tăng nhu cầu bất thường. Tất cả những hiện tượng này đem
đến cho tôi một nhận thức rằng mục đích trung tâm của tiếp thị là
quản trị nhu cầu (demand management), những kỹ năng cần thiết để
điều tiết mức độ, thời điểm và thành phần của nhu cầu.
Một trong những
đóng góp chính của tiếp thị hiện đại là giúp cho các công ty nhận
thấy tầm quan trọng của việc chuyển đổi tổ chức của họ, từ chỗ tập
trung vào sản phẩm sang tập trung vào thị trường và khách hàng.
Tốc độ thay đổi
nhanh chóng trong thời đại thông tin đặt ra nhiệm vụ cấp bách đối
với mỗi công ty là phải dành thời gian thích đáng để nghiêm túc
nhìn vào tương lai và xem mình cần thích nghi như thế nào để có
thể tồn tại và phát triển. Các công ty cần trả lời các câu hỏi sau
đây trong khi cố gắng để định hình tương lai của mình trong thế kỷ
mới:
Công ty của bạn
đã chuẩn bị cho một kịch bản về hoạt động kinh doanh của công ty
sẽ ra sao trong vòng năm năm tới? Những đối thủ nào trong môi
trường công việc sẽ được lợi hoặc bị hại bởi cuộc cách mạng thông
tin? Lợi nhuận sẽ tìm ở đâu trong chuỗi giá trị này?
Công ty của bạn
đã chuẩn bị một trang web cung cấp thông tin về sản phẩm và về
công ty của bạn hay chưa? Trang web của bạn có sức hấp dẫn gì thêm
hoặc có lợi ích gì thêm để lôi kéo người ta trở lại trang web?
Công ty bạn có
tạo thuận lợi dễ dàng nhất cho các khách hàng triển vọng và khách
hàng của mình để nêu câu hỏi, góp ý hay phàn nàn công ty? Công ty
của bạn có thể phản hồi các ý kiến của khách hàng nhanh chóng đến
mức độ nào?
Công ty của bạn
có xây dựng một cơ sở dữ liệu đầy đủ về tên tuổi và hồ sơ của các
khách hàng tiềm năng, khách hàng cũ, các đại lý và nhà cung cấp?
Công ty có thiết
lập mạng thông tin nội bộ intranet để các cá nhân thành viên trong
công ty có thể liên hệ điện tử với nhau và liên hệ với ngân hàng
dữ liệu trung tâm của công ty?
Công ty bạn có
thiết lập mạng thông tin với bên ngoài intranet để kết nối với các
khách hàng lớn, nhà phân phối và nhà cung cấp?
Hiện nay, vẫn còn
quá nhiều công ty hoạt động tập trung vào việc bán sản phẩm thay
vì tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tôi hy vọng,
công ty bạn sẽ không nằm trong số đi ngược xu hướng này. (Vũ
Tiến Phúc dịch).
BH
/ NKL (tổng hợp)